KHÓ KHĂN CủA CÁC NHÀ LÀM PHIM NGA

Katia Moskvitch
01.25.2010
bbc.co.uk

Điện ảnh Xô Viết từng có thời nổi tiếng với những tác phẩm lớn theo các kịch bản trung thành với chủ nghĩa Cộng sản. Kịch nghệ và tuyên truyền được kết hợp trong các tác phẩm đáng nhớ như "Chiến hạm Potemkin" của Sergei Eisenstein – vốn được coi là phim xuất sắc nhất mọi thời đại tại Hội chợ Quốc tế 1958, là sự kiện đầu tiên được tổ chức sau thế chiến thứ hai.

Điện ảnh tại Liên Xô vốn có liên hệ mật thiết với thực tế chính trị của đất nước. Vladimir Lenin, cựu lãnh đạo Liên Xô, từng nói: "Đối với chúng tôi, điện ảnh là loại hình quan trọng nhất trong mọi môn nghệ thuật". Chính phủ coi điện ảnh là một công cụ tuyên truyền lý tưởng và thúc đẩy ngành này từ những ngày đầu, xây hàng ngàn rạp chiếu phim tại khắp nông thôn thành thị. Sau đó, ngành làm phim Nga đã phát triển rực rỡ. Các phim như "Người đàn ông với máy quay phim" của Dziga Vertov, "Bộ ba Ukraina" của Aleksandr Dovzhenko và "Chiến hạm Potemkin" của Eisenstein đã mang lại danh tiếng rực rỡ cho Liên Xô trong lĩnh vực văn hóa.

Tuy nhiên, những ngày này, các nhà làm phim Nga nói ngành điện ảnh đang kiệt quệ, cho dù lợi nhuận thu về từ các quầy bán vé vẫn tăng cao. Phim Mỹ chiếm tới 2/3 lượng phim chiếu tại Nga, và cũng chiếm một tỉ lệ lợi nhuận tương tự vào năm ngoái, ở mức 700 triệu USD. Trong khi đó, 7000 rạp chiếu phim từ thời Xô Viết giờ giảm xuống chỉ còn chừng 2000 rạp tại 800 điểm khác nhau.

Bán thành phẩm

Bộ Văn hóa, nhà đầu tư chủ chốt vào các tác phẩm trong nước, đã không đầu tư vào một dự án mới nào trong năm 2009. Theo các nhà làm phim Nga, nếu không có ngân sách nhà nước thì họ sẽ rất khó sản xuất phim.

Diễn viên Yuri Vyazovsky ký một hợp đồng đóng phim "Hai ngày của một cuộc chiến" vào tháng Ba năm ngoái. Nhưng khi mới làm được nửa chừng, việc sản xuất phim phải dừng lại do hết tiền. Vyazovsky nói: "Đạo diễn không xin chính phủ cấp tiền vì ông biết là kiểu gì ông cũng không xin được, do ông còn chưa có tên tuổi lắm. Chúng tôi quay được một nửa bộ phim, và không biết là liệu chúng tôi có hoàn thành nổi không, và nếu có thì là khi nào".

Tuy nhiên, thiếu kinh phí của chính phủ chỉ là một phần của vấn đề. Ngay cả nếu một phim được làm ra, rất ít khả năng nó sẽ thu về lợi nhuận, như nhận xét của Pavel Ogurchikov, đạo diễn từ khoa sản xuất trong trường điện ảnh nổi tiếng nhất của Nga, VGIK. Ogurchikov cho biết: "Có rất ít các nhà đầu tư tư nhân trong điện ảnh Nga, vì họ không thu được tiền về ngay, và đa phần các phim đều không thu được lợi nhuận. Cả năm 2008 chỉ có ba hay bốn phim có lãi mà thôi".

Các lớp học tại trường VGIK, nơi Sergei Eisenstein từng dạy, vẫn đông nghẹt sinh viên. Liệu họ có được làm đúng trong ngành sản xuất phim của Nga hay không còn tùy thuộc vào chuyện chính phủ có thực hiện lời hứa sẽ tăng cấp tiền cho các dự án phim mới vào năm 2010 – và chuyện liệu mọi người có sẵn lòng bỏ tiền đi xem những phim này không.

"Bản sao tồi"

Artyom, một sinh viên năm cuối tại khoa sản xuất phim nhận xét: "Chính phủ chúng tôi không bỏ ra nhiều tiền làm phim và tôi cũng không hiểu tại sao. Tôi nghĩ rằng việc đưa ra các phim hay cho công chúng là điều quan trọng. Dù sao thì người Nga vẫn thích các phim Mỹ hay phim châu Âu hơn nhiều. Họ nghĩ rằng nếu là phim Nga thì sẽ không hay". Ông Ogurchikov đồng ý với điểm này. "Các phim của Nga chỉ tìm cách bắt chước những phim ăn khách của Mỹ. Chúng là những bản sao tồi, và điều đó giải thích tại sao mọi người lại chọn các dòng phim kia".

Tình trạng suy giảm gần đây trong sản xuất trong nước cũng gây nhiều khó khăn cho các ngôi sao điện ảnh Nga. Yevgeny Mironov, một diễn viên dù đoạt rất nhiều giải tại các liên hoan phim quốc tế, giờ nói thích làm việc trong nhà hát hơn. Anh cho biết: "Trong ba năm qua tôi không đóng một bộ phim thực sự nào".

"Chẳng có phim nào ra mắt mà khiến tôi cảm thấy tiếc là mình không có mặt trong đó cả." Anh cũng nghĩ rằng người dân Nga giờ không còn quan tâm tới các phim truyện nước nhà.

"Thế hệ bỏng ngô"

Chắc chắn là nếu xét về kỹ thuật tiên tiến hay các kỹ xảo điện ảnh thì điện ảnh Nga thua xa Hollywood. Tuy nhiên, đạo diễn nổi tiếng Sergey Solovyov, người mới có tour vòng quanh thế giới với kịch bản chuyển thể mới nhất tác phẩm "Anna Karenina" của Lev Tolstoy, nói rằng vẫn còn rất nhiều tài năng trong điện ảnh Nga.

Ông nói: "Tôi cho rằng nếu xét về chất lượng nghệ thuật thì điện ảnh Nga là một trong những nền điện ảnh tốt nhất, nếu không phải là tốt nhất thế giới. Có nhiều đạo diễn trẻ tại Nga sản xuất nhiều tác phẩm rất hay, những phim kiểu như Bertolucci." Nhưng do có quá ít khán giả mặn mà nên đôi khi, có vẻ như các nhà sản xuất phim làm ra các tác phẩm "chỉ để cho riêng họ hưởng thụ", ông nhận xét.

Về tình hình này, ông không đổ lỗi cho người xem, mà đổ tại cơ cấu hệ thống phân phối tồi của điện ảnh Nga. Ông cho biết: "Khi chúng tôi bắt đầu cải cách hệ thống điện ảnh sau khi Liên Xô sụp đổ, mọi chuyện là về cải cách sản xuất phim, nhằm đảm bảo không có kiểm duyệt, rằng ai cũng có thể làm phim về bất cứ thứ gì và rằng sẽ có rất nhiều xưởng sản xuất phim." Thế nhưng mải chú tâm vào những chuyện này, chúng tôi quên mất khâu phân phối – giá trị kinh tế chính của điện ảnh Xô Viết. "Giờ đây còn rất ít rạp chiếu phim so với trước, và chúng đều hướng tới thế hệ bỏng ngô, tức là những thanh niên muốn chứng tỏ họ là một thế hệ mới, mang tính thị trường – những người thích ăn bỏng ngô và nói chuyện qua máy điện thoại di động khi xem phim."